Kinh nghiệm khi đi khám răng

Ngày đăng: 19/07/2022

Chia sẻ:

Những lời khuyên từ bác sỹ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi đi khám răng, để bạn có một buổi khám răng vui vẻ, tự tin, cởi mở, an toàn và hiệu quả nhất.

CHỌN PHÒNG KHÁM NÀO?

Chọn phòng khám nha khoa uy tín, chất lượng

Hiện tại phòng khám răng nở rộ khắp nơi như nấm sau mưa. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều phòng khám ngay trên đường đi làm hàng ngày. Vậy đâu là nơi bạn có thể yên tâm trao gửi hàm răng của mình

Thực tế hiện nay nhiều phòng khám không có bác sỹ “xịn” mà do kỹ thuật viên hoặc nha công thuê bằng của bác sỹ để mở phòng khám. Những phòng khám kiểu này không đảm bảo về quy trình kỹ thuật cũng như kiến thức chuyên môn, bạn nên tránh xa.

Nếu như bạn đã có sẵn bác sỹ nha khoa tin tưởng của mình hoặc được người quen giới thiệu địa chỉ uy tín, rất tốt. Bạn hãy chuyển sang phần tiếp theo. Nếu không, bạn hãy chọn một cơ sở mà bạn cảm thấy đáng tin gần nhà hoặc gần cơ quan. Điều trị nha khoa thường yêu cầu nhiều lần hẹn, chọn cơ sở tiện đường đi lại sẽ giúp bạn tuân thủ đúng lịch hẹn điều trị của bác sỹ.

Để đảm bảo được thăm khám và điều trị bởi bác sỹ thực sự, khi lần đầu đến với phòng khám, bạn hãy đừng ngần ngại mà chủ động yêu cầu được thăm khám bởi bác sỹ, chứ không phải điều dưỡng, kỹ thuật viên hay trợ thủ nha khoa. Bác sỹ nha khoa thực thụ là người có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa răng hàm mặt do Bộ y tế hoặc Sở y tế các tỉnh thành cấp. Nếu cảm thấy nghi ngờ, bạn đừng ngần ngại hỏi hai câu hỏi sau:

– Bác sỹ đã có chứng chỉ hành nghề chưa?

 -Số chứng chỉ hành nghề của bác sỹ là bao nhiêu?

Bạn có thể tra cứu số chứng chỉ hành nghề tương ứng với tên của bác sỹ bằng trang web sau:

http://qlhanhnghekcb.vn/vi-vn/co-so-kham-chua-benh/key/nha%20khoa

Điều này rất quan trọng, vì bạn không chỉ gặp nha sỹ một lần, mà có thể là rất nhiều lần trong suốt cuộc đời, hay ít nhất trong vòng vài tháng tới. Bạn không nên vì sự ngại ngùng mà nhắm mắt đưa chân, phó mặc sức khỏe của bản thân. Được khám và điều trị bởi bác sỹ thực thụ là quyền lợi của bạn, và bạn không có gì phải ngại khi đòi hỏi quyền lợi chính đáng đó của mình.

ĐẶT LỊCH HẸN TRƯỚC

 Những phòng khám tốt bao giờ cũng đông khách, nhất là vào những giờ cao điểm 17h đến 20h. Bạn có thể phải chờ đợi tới vài tiếng đồng hồ nếu đến một cách tình cờ và bất ngờ. Vì vậy hãy chủ động đặt lịch hẹn trước, ưu tiên chọn những giờ không quá đông bệnh nhân, để tiết kiệm thời gian chờ đợi bạn nhé.

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI ĐẾN KHÁM

Đánh răng:

 Vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi khám răng không chỉ là tôn trọng bác sỹ mà còn giúp cho bác sỹ có thể thăm khám, chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Đừng tranh thủ làm một ổ bánh mỳ pate trước khi vào khám mà không kịp vệ sinh răng. Chắc chắn bác sỹ không muốn phải gắp từng mẩu vụn bánh mỳ hay từng mảng pate ra khỏi miệng của bạn trước khi khám đâu. Điều đó thực sự phản cảm và tạo tâm lý không tốt cho bác sỹ đấy bạn nhé.

Ghi nhớ các triệu chứng:

Bạn hãy nhớ càng chi tiết càng tốt các triệu chứng của mình. Nếu có thể hãy ghi lại những triệu chứng đó cho khỏi quên. Đó là những thông tin mà bác sỹ rất cần biết khi khám và chẩn đoán bệnh. Mang theo phim x quang hoặc hồ sơ khám bệnh trước đó, đương nhiên rồi 

KHI GẶP BÁC SỸ

Ghi nhớ những triệu chứng của mình để nói với bác sỹ

Trước khi khám, bác sỹ sẽ hỏi bạn về  những vấn đề răng miệng và tình trạng sức khỏe nói chung, nhiệm vụ của bạn là:

– Mô tả đúng trọng tâm câu hỏi

Lưu ý tình trạng dị ứng trước đây nếu có, DÙ BÁC SỸ CÓ HỎI HAY KHÔNG. ĐIỀU NÀY RẤT QUAN TRỌNG, vì những tai biến nặng nề nhất trong điều trị nha khoa thường liên quan tới dị ứng thuốc tê. 

TRÊN GHẾ RĂNG

Ok, bạn đã đến được bước cuối cùng, mời bạn lên ghế răng nhé.

Bạn hãy thả lỏng, tựa gáy và lưng của mình sát vào ghế, giống như đang nằm thư giãn trên một chiếc ghế đọc sách trong vườn nhà vậy.

Bạn nên yêu cầu được nhìn gương để quan sát và xác nhận vị trí chuẩn bị can thiệp. Điều này giúp bảo vệ bạn, tránh được những sai sót do hiểu lầm không đáng có giữa bác sỹ và bệnh nhân.

Trong quá trình điều trị trên ghế, bạn có thể có một số cảm giác khó chịu như: mỏi miệng, nước bắn vào mũi hay mắt, quá nhiều nước bọt trong miệng, đau hoặc ê buốt, tê bì, chóng mặt, mệt mỏi, muốn ho hoặc hắt xì hơi, hoặc thậm chí là quá sợ hãi. Khi có bất kỳ một điều gì gây khó chịu, hãy giơ tay trái của bạn lên, bác sỹ sẽ hiểu là bạn cần được tạm nghỉ. Lúc này hãy nói cho bác sỹ biết vấn đề của bạn để cùng giải quyết nhé.

Khi há miệng trong một thời gian dài, bạn hãy cố gắng điều chỉnh hơi thở của mình thật đều đặn, và luôn hít thở bằng mũi. Hít thở bằng miệng sẽ gây khó khăn rất nhiều cho thao tác của bác sỹ đấy bạn nhé. Nếu bạn đang có các triệu chứng về đường hô hấp như ngạt mũi, sổ mũi, ho nhiều, tốt nhất nên hoãn buổi điều trị sang hôm khác.

Hy vọng bài viết đã giúp cho bạn có được sự chuẩn bị tốt trước khi đi khám răng. Nếu có câu hỏi gì khác liên quan, đừng ngần ngại liên hệ với Nha khoa Odessa để được giải đáp bạn nhé.

 

 

Chia sẻ:

Bài viết cùng chủ đề: